Sunday, March 9, 2008

Tham quan đường Trường sơn

Nhật ký Trường Sơn

Thế là ước mong tham quan đường Trường Sơn của tôi đã thành hiện thực. Trong những ngày trung tuần tháng 1 năm 2008, tôi và những đồng nghiệp trong công ty Quỹ đạo (Orbitec) đã có chuyến hành trình 7 ngày khám phá con đường Trường Sơn huyền thoại mà chúng tôi rất tự hào đã góp một phần công sức xây dựng. Dẫu biết Trường Sơn rất đẹp và lãng mạn qua các ca từ như “rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ”, “nước khe cạn bướm bay lèn đá”…, dẫu biết hành trình di sản miền Trung chứa đựng nhiều kỳ bí, song tôi vẫn bất ngờ với nhiều cảm xúc lẫn lộn khi đứng trước cảnh vật tuyệt vời của những nơi đi qua.
Ngày 1:
Xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh từ sáng sớm, chúng tôi theo QL13 và QL14 vượt qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Gia Lai với chặng đường gần 500km để đến phố núi Kon Tum – tỉnh Kon Tum. Lúc này là gần 9h tối, cả đoàn loay hoay mãi mới tìm được quán cóc bên đường để ăn tối, ai cũng cảm thấy mệt nhưng tinh thần thì còn “sung”.
Dậy sớm lúc 5h, tôi tranh thủ đi lanh quanh dạo phố và ngắm nhìn cảnh bình minh đang dần rõ nét. Thành phố này nói chung là rộng lớn hơn so với những gì tôi nghĩ trước đây, không khí mát và trong lành.

Ngày 2:
Sau khi dùng điểm tâm sáng, khoảng 8h30h sáng, chúng tôi bắt đầu hành trình mới với điểm đến là cửa khẩu Lao Bảo – Quảng Trị.
Đây rồi! Những cánh rừng nguyên sinh xanh ngắt phủ các đỉnh núi xuất hiện càng lúc càng nhiều. Dọc đường đi, thỉnh thoảng lại có những thác nước chảy băng qua một vách đá dựng đứng tạo nên cảnh quan thật tuyệt vời. Đến trưa, cả đoàn ăn tại một quán ven rừng thuộc địa phận Quảng Nam - gần ngã rẽ qua Hòa Cầm. Thức ăn được gọi là các món thú rừng dùng chung với rượu hồng đào, riêng tôi tranh thủ dùng nốt củ sâm ngâm trong chai rượu để phòng ngừa chủ quán tái sử dụng. Điều đặc biệt nữa là chủ quán khăng khăng những món mình làm là “chỉ có ngon” và từ chối yêu cầu của khách chế biến khác đi!!.
Sau khi dùng cơm trưa cả đoàn lại tiếp tục hành trình. Cũng có những khoảng thời gian tôi thiếp đi mặc cho những nương rẫy, xóm làng tĩnh lặng trôi qua. Cả đoàn đến cầu dây văng Đắkrông khi trời đã chạng dạng tối nên không dừng xe để tham quan. Đến 9h tối cả đoàn về đến Lao Bảo. Cũng giống như Kon Tum, chúng tôi dùng cơm tối tại quán cóc ven đường. Trông ai cũng mệt nhoài nhưng anh Phát và chị Nga còn đề nghị bác tài chở tới siêu thị để mua đồ. Tuy nhiên, đến nơi thì siêu thị đã đóng cửa nên mọi người đành về khách sạn nghỉ sớm.


Ngày 3:
Đây có lẽ là ngày ấn tượng nhất trong chuyến đi. Sáng sớm, sau khi ăn sáng mọi người bắt đầu đi chợ cửa khẩu. Anh Đại Minh và Ngọc Minh mua được dù đẹp tặng “bà xã”; anh Huy chỉ mua thuốc lá; “đại gia chứng khoán” Khiêm mua áo da và mắt kính với giá cực sốc (áo da giá 300 ngàn nhưng mua chỉ 200 ngàn, mắt kính giá 120 ngàn nhưng mua chỉ 40 ngàn), còn anh Phát và chị Nga thì mua “hằm bà lằn” nào quần áo, nồi cơm điện…
Khoảng 10h30, chúng tôi lên xe tham quan nhà tù Lao Bảo (nơi từng giam giữ Tố Hữu) và dùng cơm trưa tại Khe Sanh trước khi khám phá nhánh phía Tây Trường Sơn.
Đường vào nhánh Tây rất ngoằn ngoèo, tuy nhiên do ít xe nên tốc độ xe cũng đạt khoảng 35-40Km/h. Xe càng chạy tôi càng thấy bồi hồi xao xuyến trước bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên ban tặng: núi rừng nguyên sinh trùng trùng điệp điệp dưới làn sương mù được điểm tô bới nhiều màu sắc của lá rừng (đỏ, xanh chuối, xanh đậm…); những bản làng với những mái nhà nhấp nhô của các đồng bào dân tộc nằm vắt vẻo trên các sườn núi đối lập với sự ồn ào, chen chúc của thành phố…
Càng lên cao không khí lành lạnh nhưng rất trong lành, dễ chịu. Con đường như dải lụa mềm uốn khúc chào đón những vị khách mạo hiểm khám phá sự hùng vĩ của dải Trường Sơn. Đây đó trên đường nhánh Tây vẫn còn nhiều điểm sạt lở, và hơn một trong số đó suýt làm hỏng chuyến đi của đoàn. Khoảng 4h30 chiều, khối đất khổng lồ của một ngọn núi bị sạt lở trước đó đã lấp hẳn con đường độc nhất. May thay, nhờ sự giúp sức tận tình của đơn vị thi công khắc phục sạt lở mà cuối cùng chúng tôi cũng vượt qua “điểm đen” thứ nhất này sau gần một giờ chờ đợi.
Chiếc xe lại tiếp tục lăn bánh, nhưng cảm giác lo lắng thoáng xuất hiện ở một số thành viên trong đoàn. Đến cách Khe Cát khoảng 70 km chúng tôi quyết định rẽ theo đường Tỉnh lộ 11 để về Đồng Hới (gần hơn khoảng 60 Km nếu tiếp tục đi nhánh Tây). Đi được một lúc thì thử thách thứ hai lại đến - một đoạn đường Tỉnh lộ 11 vừa được đổ đá dăm nhưng chưa đầm lèn rất trơn trợt. Lúc này khoảng 7h tối, trời tối đen như mực và lất phất mưa nên phương án rút lui đã được đề xuất. Khi bác tài đang quay đầu xe thì chợt có một xe tải ngược chiều trờ tới. Qua hỏi thăm xe này, cả đoàn thở phào nhẹ nhõm khi biết chắc rằng có thể tiếp tục đi được và thử thách thứ hai cũng ổn sau khi đẩy bộ xe khoảng 50m, thật thấm thía với câu:
“Chưa đi chưa biết nhánh Tây,
Đi rồi mới biết khó khăn chực chờ”
Đêm Trường Sơn theo cảm nhận của tôi thật lạnh lẽo, hiu quạnh; có lẽ vì trên đường ngoài chiếc xe của chúng tôi ra không thấy một chiếc xe ô tô nào khác...Chúng tôi đến thị xã Đồng Hới – tỉnh Quảng Bình khoảng 9h tối, sau đó dùng cơm tối tại một nhà hàng nhỏ gần sông Nhật Lệ. Thêm một ngày vất vả nhưng đầy thú vị đã trôi qua.


Ngày 4:
Thị xã Đồng Hới sáng sớm thật đẹp, tôi tranh thủ tham quan cầu Nhật Lệ và một số đường phố gần khách sạn. Khoảng 8h30 cả đoàn lên xe đến Phong Nha – Kẻ Bàng. Gần 11h trưa cả đoàn mới bắt đầu tham quan động Khô và động Ướt. Lúc này trời đang mưa rả rích do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Thật may mắn cho chúng tôi vì nếu áp thấp đến sớm hơn một ngày thì hành trình ở nhánh Tây Trường Sơn sẽ vô cùng trắc trở.
Đi sâu vào hang động, chúng tôi ngẩn ngơ ngắm nhìn những nhũ đá huyền ảo và kỳ vĩ cùng hàng ngàn những kiệt tác được hình thành bởi tạo hóa với vô số những hình ảnh kỳ lạ và hấp dẫn: thầy trò Đường Tăng, các thiên thần bay lượn, hình chú bộ đội, những bầy sư tử, cá sấu,… và đặc biệt có hai cột nhũ đá rủ dài từ trên trần hang xuống tận đáy nước. Ngoài ra, khi gõ nhẹ vào chuỗi thạch nhũ giống hình phím đàn thì người ta tưởng như đang thưởng thức âm điệu của tiếng đàn tơ-rưng trầm bổng âm vang. Hiện nay, động Phong Nha được đánh giá là hang động duy nhất ở Việt Nam đạt 7 tiêu chuẩn: hang nước dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát và đá rộng đẹp nhất, hồ ngầm đẹp nhất, hệ thống thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất, hang có sông ngầm dài nhất, hang khô rộng và đẹp nhất.
Gần 9h tối chúng tôi đến Huế và bỏ lỡ cơ hội xem múa hát trên thuyền ở sông Hương như dự định ban đầu.


Ngày 5:
Lịch trình của ngày 5 là buổi sáng tham quan Huế, tối về nghỉ tại Thị xã Hội An. Càng về các tỉnh phía Nam, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới càng lớn. Trừ ngày cuối cùng, phần lớn thời gian chúng tôi phải tham quan dưới trời mưa lất phất. Một chuyện vui trong chuyến đi là khi đến Huế, “đại gia” Khiêm đã chịu lấy áo da ra dùng (hôm trước ở Phong Nha trời mưa khá lạnh nhưng “đại gia” nhất định để dành không mặc).
Cảm nhận chung đọng lại trong tôi khi tham quan các di sản tại Huế là nét rêu phong, cổ kính của những công trình kiến trúc. Không kỳ vĩ như Angkor, không hoành tráng như Vạn Lý Trường thành, những công trình tại đây chỉ là những kiến trúc nhỏ bé, nhưng sự nhỏ bé ấy chứa đựng cả một phần của nền văn hóa lâu đời được thế giới công nhận. Đáng tiếc, trải qua bao biến động và thời gian, hiện nay rất nhiều công trình đã bị mai một.
Vì thời gian bị hạn chế, sau khi đã ghé tham quan kinh thành Huế và chùa Thiên Mụ, chúng tôi chỉ viếng lăng Tự Đức và lăng Minh Mạng. Có thể nói các lăng vua là một bức tranh trác tuyệt về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc, trong đó, thiên nhiên là yếu tố chính tạo nên nét hùng vĩ của cảnh quan. Toàn cảnh lăng như một công viên rộng lớn, nơi đây quanh năm có cá lội tung tăng dưới hồ, có thông reo, có chim muôn ca hát... Không gian tĩnh lặng nhưng đầy chất thơ, chất nhạc ấy có thể bất chợt làm ta suy ngẫm về những thành bại của cuộc đời mình cũng như hồi nhớ lại những vinh nhục của các vua triều Nguyễn…
Sau khi ăn tối tại một nhà hàng ven biển ở Đà Nẵng, cả đoàn tiếp tục lên đường và đến Hội An khoảng 8h tối. Thật tiếc rằng chúng tôi không đến được phố cổ Hội An vào tối ngày rằm để được thưởng thức khung cảnh không ô tô, không xe máy, không đèn điện, chỉ có những chiếc đèn lồng lung linh dưới ánh trăng vàng dịu. Tuy nhiên, đối với tôi tham quan được nơi này cũng là tốt rồi. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính trông hư hư, thực thực như một bức tranh sống động. Đó là một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ...và những con đường hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị cổ. Các hiện vật, công trình kiến trúc còn lưu lại đã chứng minh Hội An là nơi hội tụ, giao thoa giữa nhiều nền văn hoá: Chăm, Việt, Hoa, Nhật …

Ngày 6:
Trưa ngày thứ 6 của cuộc hành trình chúng tôi đến thánh địa Mỹ Sơn. Có lẽ đây là địa điểm tham quan gây tranh luận nhiều nhất vì nhiều thành viên trong đoàn muốn bỏ qua để rút ngắn thời gian di chuyển. Riêng tôi sau khi khám phá nơi này, tôi nghĩ là mình đúng khi ủng hộ nhóm muốn tham quan. Tôi cũng thấy rằng du khách nước ngoài tham quan ở đây rất đông, số lượng có lẽ nhiều hơn du khách trong nước.
Sau khi đi bộ dọc theo một con đường ngoằn nghèo khoảng 1Km thì đến khu vực với các công trình kiến trúc quan trọng nhất của nền văn hóa Champa - quần thể đền tháp, văn bia, tượng, điêu khác trên đá và trên gạch. Hiện nay, thánh địa Mỹ Sơn còn sót lại lác đác vài đền tháp rệu rã, những bức tượng không đầu rải rác trong các bụi rậm, dưới lòng suối hay nơi gò mối... Vì vậy, nếu không có chị hướng dẫn viên thuyết minh thì khó có thể cảm nhận được những nét độc đáo nơi này, cảm nhận cái hồn nghệ thuật và cái tinh anh của các nghệ nhân Champa cổ đại...
Đến 8h tối, cả đoàn dùng cơm tối tại một quán ven đường ở Đại Lãnh (quán này cũng quen vì phòng Tk3-Tedis do tôi phụ trách trước đây thường ghé ăn ở đây khi công tác ở Phú Yên). Ngoài trời lúc này mưa khá to, gió thổi bần bật cộng với đói bụng nên ai cũng cảm thấy lạnh. Tôi quyết định khui chai rượu Bàu Đá mua ở Bình Định để cả đoàn nhâm nhi cho ấm bụng. Tại đây, tôi còn tranh thủ mua vài cặp cá ngựa và rắn biển về ngâm rượu.

Ngày 7:

Chúng tôi khởi hành về Tp. Hồ Chí Minh khoảng 11h30 sáng ngày thứ bảy. Dọc đường, cả đoàn dùng cơm tại Cà Ná và về đến trụ sở Orbitec lúc 10h30 tối. Có lẽ ai cũng cảm thấy mệt sau nhiều ngày di chuyển xa nhưng đều nhận định đây là chuyến đi thành công…
Thế là bảy ngày với hành trình trên 2500Km qua gần mười tỉnh thành đã kết thúc. Cảm xúc đọng lại trong tôi sau chuyến đi là niềm tự hào về cảnh đẹp quê hương và thầm nghĩ ước gì mình có điều kiện để có thể tham quan hết thắng cảnh đẹp đất nước. Song qua cuộc hành trình này tôi cũng cảm thấy lo ngại trước sự tàn phá của con người …
Tạm biệt dải đất miền Trung thân yêu và hẹn gặp lại !!!