Monday, February 16, 2009

Những tự sự cuộc đời


Mảnh giấy cuộc đời (MTO 11 - 3/11/2005)

Một ngày nọ, cô giáo bảo các học trò của mình viết ra một danh sách tất cả bạn bè trong lớp của mình. Với mỗi cái tên, cô giáo đề nghị mỗi bạn hãy viết ra một điều tốt đẹp nhất mà mình có thể nói về người bạn đó. Vào cuối buổi học, tất cả các học sinh đều nộp cho cô giáo danh sách của mình.
Trong buổi học đầu tuần, cô giáo đưa cho mỗi học sinh một danh sách các điều các bạn khác đã nói về mình mà cô giáo đã bỏ công tổng hợp lại. Thật lâu sau đó, mọi người trong lớp học đều mĩm cười. Có những tiếng nói thầm:
- Thật vậy sao ?
- Mình chưa bao giờ nghĩ rằng bạn ấy nghĩ về mình như vậy !
- Không ngờ bạn ấy tốt với mình như thế!
Và đó là những điều được nói lên nhiều nhất.
Tháng ngày lại trôi đi, chẳng ai nói về những tờ giấy ấy nữa. Cô giáo cũng chẳng biết liệu các học trò của mình có nói về những điều đó với nhau nữa hay không, nhưng đó không phải là vấn đề. Bài tập đề ra đã đạt kết quả. Các học trò của cô đã rất vui, với chính mình và với mọi người xung quanh. Và cái lớp học đó vẫn tiếp tục đi theo thời gian.
Năm rồi, có một học sinh qua đời. Cô giáo cũ đã dự lễ tang của người học sinh này. Từng người một bước đến quan tài để chào lần cuối. Cô giáo là người cuối cùng. Đang khi cô giáo còn đang đứng bên quan tài, một người bạn của Mark bước đến, nói: “ Cô là cô giáo cũ của Mark?”. Cô gật đầu. “ Mark kể rất nhiều về cô”.
Sau lễ tang, tất cả bạn bè trong lớp cũ của Mark họp lại với nhau trong bữa ăn trưa. Bố mẹ của Mark cũng có mặt. Người cha nói với mọi người: “ Chúng tôi xin phép được trình bày với quí vị vài điều- ông ta vừa nói vừa lấy trong túi áo của mình một cái ví- Họ tìm thấy cái này trong túi của Mark. Chúng tôi nghĩ rằng quí vị sẽ nhận ra nó.”. Mở ví ra, ông ta cẩn thận cầm hai tờ giấy vở học trò đã được ép, dán lại rất nhiều lần. Cô giáo nhận ra ngay lập tức đó là tờ giấy mà cô đã tập hợp tất cả những điều tốt đẹp mà các bạn bè Mark dành cho anh khi xưa.
- Cám ơn cô nhiều lắm !- Mẹ Mark nói. Cô thấy đó, Mark rất trân trọng nó
Tất cả các bạn Mark lúc này quây quần lại. Charlie cười ngại ngùng: “ Em vẫn còn giữ tờ giấy của em. Em để nó trên mặt bàn làm việc của mình.”
Vợ của Chuck nói: “ Chuck bảo em cất nó trong album cưới của tụi em”
Marilyn nói: “ Em cũng còn giữ nó. Em để nó trong nhật kí của mình.
Vicky, một học sinh khác, lấy trong ví mình ra một tờ giấy tả tơi, được dán đi dán lại nhiều lần đưa cho mọi người nhìn thấy. “ Mình luôn mang nó theo. Mình nghĩ ai trong chúng ta cũng đều còn cất giữ nó!”
Cuối cùng, khi chứng kiến những điều đó, cô giáo đã khóc. Cô khóc vì Mark và những người bạn sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn lại Mark lần nữa.
Vậy hãy nói với người bạn quan tâm và yêu thương rằng họ thật quan trọng và đặc biệt đối với bạn. Hãy nói, trước khi quá trễ.
.

.
Giọt nước mắt đầu tiên (1/4/2006)

Con người chào đời bằng tiếng khóc. Có người xem đó là những giọt nước mắt đầu tiên của đời mình. Còn với tôi, đúng 20 năm sau tôi mới có và thấm thía giọt nước mắt của riêng mình. Dù rằng thuở nhỏ tôi cũng là một đứa trẻ nhõng nhẽo, hay khóc nhè và được bố mẹ cưng chiều.
Trước 20 tuổi, tôi đã từng là một bợm nhậu, đã từng là một tay có máu gây gổ đánh nhau. Những vết sẹo trên đầu luôn nhắc tôi nhớ về những “chiến tích” của tuổi học trò ngông nghênh, dại dột.
Tôi cứ nghĩ những việc làm xấu của mình sẽ không ai biết (trừ một vài người bạn thân thiết). Trong mắt thầy cô, bố mẹ, bạn bè, tôi vẫn là một đứa con ngoan, một học sinh xuất sắc luôn đứng đầu trường. Tôi an tâm nghĩ rằng tội lỗi của mình đã được “che giấu” bởi những thành tích học tập.
Để rồi, đúng 20 tuổi, tôi đã phải khóc cho sự nhầm lẫn đó của mình. Người khiến tôi khóc không ai khác đó chính là thầy giáo chủ nhiệm thời phổ thông của tôi.
Đậu đại học, tết có dịp về quê, tôi tổ chức một bữa tiệc nhỏ để thầy cô, bạn bè hội ngộ. Sau khi tàn cuộc, tôi xin phép bố mẹ chở thầy giáo về. Con đường quê trơn như đổ mỡ, trời lạnh căm. Tôi cố hết sức để chiếc xe không bị trượt. Đến chỗ rẽ vào ngôi trường cũ, thầy chậm rãi nói với tôi: “Thầy trò mình vào lớp học ngày xưa đi! Thầy có chuyện muốn nói với con”.
Tôi đang băn khoăn lo nghĩ không biết có chuyện gì. Rồi ngạc nhiên hơn khi 11g khuya của ngày mồng 3 tết bác bảo vệ vẫn thức để chờ mở cổng. Hai thầy trò leo lên tầng ba, vào đúng lớp học ngày trước.
Bao kỷ niệm lần lượt đi về trong tâm trí tôi. “Con đừng tưởng ra thành phố học là thoát khỏi sự quan tâm của tôi! - giọng thầy nghiêm khắc đến từng tiếng một - Tôi biết tất cả những thói xấu của con từ ngày tôi bước vào lớp này!”.
Chỉ với hai câu nói của thầy, tôi đã cúi xuống, mắt ngấn nước. Thầy tiếp lời: “Ra Hà Nội học, thầy mong con hãy bỏ những tật xấu ấy đi. Hãy học đi, xem bốn năm đại học con sẽ làm được gì!”.
Thầy dứt lời, tôi lúc ấy như là một “đứa trẻ” 20 tuổi với hai hàng nước mắt. Trước khi thầy quay lưng ra cửa, tôi đã kịp lên tiếng hứa với thầy những điều cần thiết.
Khi tôi viết những dòng này thì cũng là lúc tôi sắp sửa xa thầy đến vạn dặm. Ngôi trường tôi đến để tu nghiệp là nơi tôi tiếp tục thực hiện vẹn nguyên lời hứa bốn năm về trước với thầy. Tôi muốn nói với thầy một câu, rằng: “Cho phép con xem đây là một món quà có ý nghĩa để tặng thầy và tặng cả cho những giọt nước mắt đầu tiên của con, thầy nhé!”.

.
.
Những viên kẹo diệu kì (MT 719 - 4/3/2006)

Tên tội phạm vừa được trả tự do. Hắn đang chuẩn bị kế hoạch cho một vụ cướp mới để đánh dấu ngày trở về của mình.
Ra đón hắn ngoài cổng là người mẹ mù lòa và đôi khi mất tỉnh táo.
Nhiều lúc hắn nghĩ như vậy cũng tốt vì mẹ hắn sẽ nhanh chóng quên đi những việc làm xấu xa và tội lỗi của con trai mình. Hắn ngả lưng lên chiếc giường cũ kĩ gần mục nát. Bỗng hắn nghe những tiếng sột soạt dưới gối. Lật gối lên, hắn thấy bên dưới có thật nhiều kẹo.
Hắn bỗng nhớ ngày trước, có một cậu bé con được mẹ nói rằng, nếu cậu bé ngoan, làm được nhiều việc tốt thì mỗi tối bà tiên sẽ đến và đặt dưới gối một viên kẹo như phần thưởng cho sự ngoan ngoãn của mình. Vì thế, mỗi ngày cậu bé đều cố gắng thật ngoan, làm thật nhiều việc để giúp đỡ mọi người. Lớn hơn một chút, cậu bé biết rằng chẳng có bà tiên nào cả, chỉ có người mẹ ngày ngày đợi cậu ngủ say rồi đặt dưới gối một viên kẹo. Mặc dù vậy, cậu bé vẫn giả vờ ngủ say khi người mẹ đặt viên kẹo dưới gối. Và giờ cậu bé lớn xác ấy túm lấy nắm kẹo và chạy đi tìm mẹ.
- Mẹ, sao lại có những viên kẹo dưới gối của con?
- À, hôm qua con rất ngoan nên bà tiên thưởng cho con đó!
- Con không phải con nít! Không có bà tiên nào hết! Chỉ có mẹ mà thôi! Mà sao mẹ còn để kẹo dưới gối con? Mấy năm nay con đâu có ở nhà?
- Mẹ để kẹo dưới gối vì mẹ tin ngày nào đó, đứa con trai ngoan ngoãn của mẹ rồi cũng trở về!
Không biết lúc này mẹ hắn đang tỉnh hay mê nhưng những tia yêu thương ấm áp trong ánh mắt mẹ là rất thật. Hắn bỗng thấy nhớ da diết tiếng bước chân khe khẽ mỗi đêm của mẹ mà hắn nghe được trong giấc ngủ chập chờn. Lí do để một tên tội phạm như hắn hoàn lương có vẻ thật nhỏ bé, tầm thường như những viên kẹo nhưng hình như với lòng tin yêu tha thứ thì một viên kẹo bé nhỏ cũng chứa đựng một điều kì diệu lớn lao, phải không?
.
.
Hãy để xuân tươi hồng (MT 713 - 18/1/2006)

1. Khu vui chơi trong những ngày tết lúc nào cũng nhộn nhịp nhưng không phải ai cũng đến đó để vui chơi.
Không quần áo đẹp, không ba mẹ, không thời gian chơi đùa, các em nhỏ bán hàng rong đang tíu tít chào mời. Nhìn các em, tôi nghĩ dường như mùa xuân không phải dành cho tất cả mọi người. Vẫn có bao người không được biết tới những ngày tết trọn vẹn.
Tôi định tặng em bé nhỏ nhất trong đám trẻ bán hàng rong một vé trò chơi nhưng em đã lễ phép từ chối với lí do em còn phải bán hàng. Em hăm hở khoe với tôi rằng mấy ngày tết em bán được nhiều lắm, vậy là học kì hai em khỏi phải nghỉ học vì em đã có đủ tiền để đóng tiền học và còn có thể mua sách vở mới nữa. Nhìn em bán với nét mặt rạng rỡ dù bận rộn luôn tay, tôi nghĩ chiếc vé trò chơi không còn cần thiết nữa, vì em đã tìm thấy niềm vui cho chính mình rồi. Thì ra những em bé không có quần áo đẹp, không có ba mẹ dẫn đi chơi tết vẫn có niềm vui ngày tết của riêng mình vì mùa xuân lúc nào cũng mang niềm vui đến cho tất cả mọi người, tất cả những ai luôn mang trong mình một sức sống với những ước mơ thật đẹp.
2. Lần ấy, tôi theo mẹ đi chợ tết mua dưa hấu. Quả dưa no cũng to tròn bóng bẩy, thật khó mà chọn lựa. Bỗng mẹ dừng lại trước gian hàng của một cô bé cỡ trạc tuổi tôi. Dưa của cô nhìn không được bắt mắt lắm, có lẽ vì vậy mà chúng còn rất nhiều dù hôm đó là 29 Tết. Vậy mà mẹ chọn mua tới năm quả. Nhìn mắt buồn buồn của cô bé bán dưa bỗng lấp lánh niềm vui dù số dưa còn lại vẫn nhiều. Cô bé không quên cảm ơn mẹ rối rít và chúc gia đình tôi những điều tốt lành. Thấy hơi khó chịu khi nhìn sang những quả dưa no tròn, mập mạp ở các gian hàng kế bên, tôi lẩm bẩm thế là tết này nhà không có dưa đẹp để chưng. Mẹ cười và nói với tôi rằng đối với gia đình tôi, những quả dưa không làm nên một cái tết nhưng với cô bạn kia thì khác. Những quả dưa đó là mùa xuân, là tết của gia đình cơ. Mẹ đã cho tôi một định nghĩa về mùa xuân là ân cần chia sẻ với mọi người.
U-Â-N, một năm mới đã đến thật gần nhưng vẫn còn thiếu một chữ X đứng đầu để tạo thành một mùa xuân trọn vẹn : chữ X của sự Xôn xao khi trời đất bắt đầu chuyển mùa, chữ X của sự Xông xáo và chữ X của những thành tích Xuất sắc. Và không ai khác, chính bạn, chính tôi, chính chúng ta sẽ là người viết nên những câu chuyện về những chữ X để tạo thành một chữ Xuân trọn vẹn, bởi mùa xuân sẽ trở nên vô nghĩa nếu con người không cho nó những sự khởi đầu tốt đẹp.
Diễm Quỳnh(Q.11)
.
.
Điều tầm thường...lớn lao (MT 712 - 10/1/2006)

"Sáng nay, ba của bạn đã mặc chiếc áo nào đi làm?". Hãy trả lời nhanh câu hỏi này trong vòng 30 giây nhé!
Tôi cũng từng bị choáng trước bảng câu hỏi của thầy giáo trong một lớp học về phương pháp luận sáng tạo với những nội dung đại loại như : "Bạn đã đi hết bao nhiêu bậc thang để đến được căn phòng này?", "Sáng nay, ba bạn đã mặc chiếc áo nào đi làm?", "Mẹ của bạn thường đeo nhẫn ở ngón tay nào?"... Không ai trong lớp có thể trả lời được hết những câu hỏi đó. Thay vì suy nghĩ lí do thầy đưa ra những câu hỏi, một số người lẩm bẩm, học sáng tạo ai lại đi học những thứ vớ vẩn như vậy ! Lúc đầu tôi đã đồng ý với ý kiến đó vì những câu hỏi thầy đưa ra đều hết sức kì cục.
Và tôi còn tiếp tục suy nghĩ như thế nếu thầy không phân tích cho chúng tôi nghe những phát minh vĩ đại đều khởi nguồn từ những thắc mắc hết sức nhỏ nhặt và kì cục như thế. Sẽ chẳng có định luật vạn vật hấp dẫn nếu Newton chẳng tự hỏi tại sao quả táo lại rơi - một câu hỏi nghe có vẻ rất ngớ ngẩn vào lúc bấy giờ. Các bạn không trả lời được những câu hỏi kia vì các bạn ít quan tâm đến những điều nhỏ nhặt xảy ra xung quanh mình, nhưng không có một sự to lớn, vĩ đại nào lại không bắt nguồn từ những cái hết sức nhỏ bé, bình thường như thế. Những người vĩ đại khác với người bình thường ở chỗ, họ có thể nhìn thấy được những điều to tát trong những thứ tưởng như hết sức tầm thường. Những lời nói của thầy là kiến thức quí giá nhất mà tôi luôn mang theo bên mình cho dù lớp học đã kết thúc.
Còn bạn thì sao ? Nếu bạn không trả lời được câu hỏi trên nhưng bạn vẫn tiếp tục đọc hết bài viết này, bạn có còn cho rằng đó là một câu hỏi hết sức vớ vẩn và vô nghĩa hay không ? Có thể những điều nhỏ nhặt mà bạn chú ý đến không thể giúp bạn trở thành những người nổi tiếng, lỗi lạc nhưng ít ra khi bắt đầu nghĩ đến chúng, bạn đã biết cách quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống xung quanh mình rồi đấy! Còn nếu sau khi đọc xong, bạn vẫn cảm thấy câu hỏi đó đã làm mất thời gian của bạn thì xin lỗi vì lại làm phiền bạn bởi một điều không đáng quan tâm. Nhưng bạn ơi, hãy tin rằng trong số những điều tầm thường mà bạn đã bỏ qua sẽ có ít nhất một điều có thể làm thay đổi cả cuộc đời bạn đấy!
.
.
Món quà (MT 711 - 3/1/2006)

- Có bưu kiện này, chủ nhà ra nhận đi!
Tiếng bác bưu tá vang lên ngoài cổng. Cả Hương lẫn Thy đều ngạc nhiên, cả hai mới chuyển nhà đến đây được mấy ngày, hẳn là ai đó đã gửi nhầm địa chỉ. Bên ngoài bưu kiện đề đúng địa chỉ nhà này nhưng người nhận lại là một cái tên lạ hoắc. Bên trong chiếc thùng các-tông khá to là những chiếc áo len, tuy đã cũ nhưng vẫn có thể sử dụng được. Thật là một món quà ý nghĩa cho những ngày cuối năm se lạnh.
- Nhìn cái thùng to thế tưởng bên trong có gì giá trị, nào ngờ chỉ là một đống đồ cũ. Biết vậy gửi trả ông bưu tá cho rồi! Mang vào nhà xong mới biết nhầm địa chỉ.
Hương dùng dằng đẩy cái thùng va vào tường, những chiếc áo văng tung tóe, có cả áo cho người lớn và áo của trẻ em. “Lê Văn Minh”, cái tên này quen lắm, hình như là người thuê nhà trước Hương và Thy. Lúc mới đến, Thy có nghe chị chủ nhà kể về gia đình này. Đó là một gia đình nghèo, chồng chạy xe ôm, vợ đi làm thuê làm mướn cùng với tám đứa con nheo nhóc. Từ miền quê nghèo khó, họ dắt díu nhau lên Sài Gòn với hi vọng đổi đời, nhưng hình như cuộc sống đô thị càng làm họ trở nên túng quẫn hơn nên tháng trước họ đã về quê. Có lẽ người gửi chưa được biết về sự thay đổi này.
- Hương ơi, Thy biết cái thùng này gửi cho ai rồi! Mình ra hỏi chị chủ nhà xem, hình như chị ấy biết địa chỉ hiện giờ của anh Minh đấy!
- Thy định làm gì? Gửi thư kêu người ta đến nhận ? Thôi đem vứt đi là xong. Không phải chuyện của mình, xen vào làm gì cho mệt!
- Không được đâu, Thy nghĩ gia đình anh Minh rất cần món quà này. Thy sẽ gửi món quà này đến đúng địa chỉ mà nó cần phải đến.
- Thy có điên không? Cái thùng to thế gửi đi đâu phải rẻ. Còn tiền tiêu, tiền mua quà về quê?
Hương chưa nói hết câu thì Thy đã mang cái thùng đi. Bưu kiện gửi đi khá to và nặng nên chi phí vận chuyển gần cả trăm ngàn đồng. Số tiền dạy thêm chắt chiu được mấy trăm để Tết mua quần áo mới cho các em giờ đã vơi đi gần nửa. Thy chưa biết phải nói sao với các em khi lá thư vừa gửi đi đã hứa hẹn với chúng rất nhiều về những món quà Tết. Nhưng chúng sẽ hiểu cho Thy thôi mà, vì từ bé chị em Thy đã được ba mẹ dạy phải biết giúp đỡ người kém may mắn hơn mình. Bí mật bên trong một món quà đâu chỉ là niềm vui của người tặng và người nhận. Còn rất nhiều, rất nhiều những bí mật khác làm cho những món quà luôn luôn là thứ tuyệt vời nhất dành cho tất cả mọi người, dù đó là một món quà gửi nhầm địa chỉ.
.
.

Niềm tin (MT 710 - 27/12/2005)

Bắc là một học sinh cá biệt và nổi tiếng khắp trường vì những lần đánh nhau, quậy phá, làm vỡ bóng đèn, gãy bàn ghế trong khi học hành rất tệ.
Bắc cũng không được lòng các bạn trong lớp vì tính khí hung hăng, cộc cằn của mình. Vì Bắc mà tuần nào lớp cũng bị nêu tên trước trường và bị xếp hạng chót.
Cuối năm, Bắc không được lên lớp và phải chuyển trường theo yêu cầu của Ban Giám hiệu. Một cuộc họp lớp được tiến hành theo đề nghị của cô chủ nhiệm để xin cho Bắc được tiếp tục học. Thật ra, ai cũng hiểu cuộc họp chỉ có tính hình thức mà thôi. Lớp trưởng xin ý kiến mọi người, xem ai đồng ý xin Ban Giám hiệu cho bạn Bắc được tiếp tục học.
Cả lớp ai cũng ngồi bất động. Bỗng có một cánh tay gầy gò giơ lên một cách dứt khoát. Thì ra là Minh, cô bạn bé nhỏ thường ngày vốn rất nhút nhát và ít nói. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Minh. Mình nghĩ nên cho bạn ấy một cơ hội để sửa đổi. Mình tin rằng Bắc có thể trở thành một học sinh tốt. Minh rõ tiếng.
Câu nói của Minh làm cả phòng trở nên im phăng phắc. Bắc nhìn Minh đầy ngạc nhiên, gương mặt đang vênh váo đầy thách thức vẫn không giấu được vẻ sững sờ. Nhưng chỉ một cánh tay của Minh không đủ sức giữ Bắc ở lại trường.
Bắc ào ra khỏi phòng. Minh chỉ kịp nhìn thấy đôi mắt long lanh bắt đầu hoe đỏ. Bắc ra khỏi trường từ ngày đó.
Rồi một hôm, Minh đang đạp xe trên đường bỗng có đám thanh niên đi xe phân khối lớn giật mất xấp vé số của một cụ già làm cụ loạng choạng ngã. Gương mặt nhăn nheo của cụ còn chưa kịp định thần thì có một anh thanh niên đang sửa xe gần đấy vội chạy lại đỡ cụ dậy. Anh thanh niên vừa an ủi vừa dìu bà cụ vào ngồi dưới tấm bạt anh che tạm trên lề đường. Anh vét hết tiền trong túi, được mấy tờ bạc nhăm nhúm và dí hết vào tay bà cụ.
Anh thanh niên bất chợt ngước lên nhìn Minh và cả hai sững sờ một lúc lâu. Thì ra người thanh niên tốt bụng đó chính là Bắc. Thấy Minh, Bắc cười thật tươi, nụ cười thật hiền trên gương mặt đen nhẻm. Cảm ơn Minh ! Đây là điều mà Bắc muốn nói với Minh từ lâu nhưng chưa có dịp. Vì chuyện gì hả Bắc ?. Vì Minh đã tin Bắc. Nếu không có câu nói của Minh ngày đó, chắc bây giờ Bắc cũng trở thành một kẻ chẳng ra gì như những tên côn đồ kia thôi.
Minh cười và thấy lòng thật nhẹ nhàng. Thì ra chỉ một niềm tin mong manh cũng có thể thay đổi một con người, một cuộc đời như thế !
.
.
Cây bàn chải thắt nơ hồng (23/12/2005)

Nhà tôi có bốn người: ba, má, anh Hai và tôi. Cả gia đình tôi rất thích xài đồ giống nhau, chẳng hạn như bộ đồ ngủ màu hồng tôi đang mặc này là do má tôi may cho cả nhà đấy. Tôi sướng rơn trong bộ đồ ngủ xinh tươi ấy, vì nó làm nổi bật làn da trắng hồng tự nhiên của tôi. Chỉ mỗi tội anh Hai và ba phải cố gắng mặc chúng với sự yêu cầu của má. Trông họ thật là buồn cười, dù là đang khoác lên mình kiểu áo dành cho đàn ông con trai. Cũng may, một tháng họ chỉ diện chúng hai hay ba lần vào buổi tối. À, đã lỡ nhắc các “seri” đồ vật thì tôi không thể quên bộ bài chải màu xanh lơ do bác tôi tặng cho ba lúc tôi còn đi mẫu giáo. Ôi, nhưng sao chỉ có ba cây bàn chải to lớn thôi vậy. Chắc là bác nghĩ tôi nhỏ, chỉ dùng bàn chải bé xíu xiu mà mẹ mua cho là được rồi. Tôi giãy nãy không chịu và buộc má phải sắm cho tôi một cây bàn chải giống như thế, nếu không tôi chẳng đến lớp mẫu giáo đâu. Buổi đi chợ hôm đó, má đã sắm cho tôi một cái như thế. Khi nhận cây bàn chải từ tay má, tôi bất chợt nghĩ ra một điều và ứ ừ léo nhéo: “Tất cả bàn chải đều màu xanh, con sợ lấy nhầm bàn chải của anh Hai lắm. Làm sao đây má?”. Anh Hai nghe được, từ nhà sau chạy lên, nhìn tôi rồi lắc đầu như không chấp chuyện trẻ con, rồi anh phá lên cười như “Sơ-lốc Hôm” phá được vụ án. “Đúng rồi, để anh nhờ má lấy vải thắt cho em chiếc nơ vào cây bàn chải nhé. Khỏi sợ nhầm mà nó lại đẹp hơn”. Thế là sáng hôm sau, tôi lại có thêm cây bàn chải xanh gắn nơ hồng thật xinh. Và từ đó mỗi cây bàn chải mới của tôi đều được gắn nơ.
Lớn lên, đi học xa nhà, tôi cũng chỉ dùng những cây bàn chải màu xanh và thắt nơ hồng. Lũ bạn cùng phòng tưởng tôi là con hâm. Bởi tụi nó không biết rằng: Đối với tôi, một cây bàn chải đánh răng không chỉ là thứ làm răng sạch mà nó còn chứa cả hương vị gia đình tôi. Và tôi chắc chắn một điều, nó —cây bàn chải màu xanh nơ hồng là một-phần-cuộc-sống của tôi.
.
.
Những điều đôi mắt không nhìn thấy (MT 706 - 8/12/2005)

Khi tôi biết về thời khóa biểu hàng ngày của Thắng, tôi thấy nó cũng giống như bao cô bé, cậu bé bình thường khác. Chỉ có giờ tự học của em là dài hơn...
...vì em phải học theo một cách rất đặc biệt và trong thời khóa biểu ấy, không có chỗ cho game online, chat và những giờ lang thang ở siêu thị, khu vui chơi giải trí. Người học sinh đặc biệt ấy bước lên bục nhận giải thưởng trong vòng tay dìu dắt của thầy cô và bạn bè. Tôi gặp Thắng tại một buổi lễ phát thưởng học sinh giỏi. Thắng là học sinh khiếm thị của trường Nguyễn Đình Chiểu nhưng thành tích mà cô bé đạt được khiến cho những kẻ sáng mắt như tôi thán phục. Trước khi gặp em, tôi đã không tin vào những nỗ lực phi thường như thế. Hình ảnh em bước lên bục nhận thưởng đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi về sự cố gắng.
Khi tôi được biết về thời khóa biểu hàng ngày của Thắng, tôi thấy nó cũng giống như bao cô bé, cậu bé bình thường khác. Chỉ có giờ tự học của em là dài hơn, vì em phải học theo một cách rất đặc biệt và trong thời khóa biểu ấy, không có chỗ cho game online, chat và những giờ lang thang ở siêu thị, khu vui chơi giải trí. Ban đầu tôi nghĩ thật tội nghiệp cho Thắng khi em không được biết đến những trò giải trí rất “thời thượng” đó. Và tôi đã nghĩ rằng em sẽ nói muốn được đi đây đó, được xem tivi, được đọc truyện tranh bằng chính đôi mắt của mình khi tôi hỏi em thích làm gì nếu có được đôi mắt sáng. Nhưng không, đây mới là câu trả lời của em :
- Nếu có đôi mắt sáng, em muốn nhìn gương mặt của ba, của mẹ, của những đứa em thật lâu. Mặc dù lúc nào em cũng nhìn thấy họ trong đầu nhưng được nhìn bằng chính đôi mắt của mình vẫn thích hơn chị nhỉ ?
- Làm sao em có thể nhìn thấy họ ?
- Những người khiếm thị như em không nhìn bằng mắt mà “nhìn” cuộc sống này bằng rất nhiều giác quan và bằng cả trái tim nữa. Em thương ba mẹ và các em nên lúc nào hình ảnh họ cũng ở trong đầu em, giống như đem tấm ảnh lộng vào khung hình vậy, nó sẽ ở đó mãi mãi.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện về bầy yêu tinh đem giấu hạnh phúc vào trong chính bản thân mỗi con người. Câu nói của Thắng đã thay đổi suy nghĩ của tôi về hạnh phúc. Không biết bao lâu rồi tôi chưa nhìn thật kĩ gương mặt ba mẹ mình. Tối đó, tôi ngắm ba mẹ thật lâu và thấy rằng trên những gương mặt ấy bắt đầu có những nếp nhăn, những đốm đồi mồi. Khi thấy tôi nhìn chăm chú, ba mẹ cười thật tươi, những nếp nhăn như tan biến đi và tôi cũng đã có một tấm ảnh thật đẹp để lộng vào khung hình của mình. Từ bây giờ, tôi sẽ bắt đầu tập nhìn cuộc sống bằng nhiều giác quan và cả bằng trái tim nữa theo cách mà Thắng đã chỉ. Biết đâu tôi sẽ biết thêm nhiều điều hay mà nếu chỉ bằng đôi mắt, tôi đã không nhìn thấy.
.
.
Vượt qua cám dỗ (20/10/2005)

Mẹ kính nhớ!
Sau những tháng ngày miệt mài học tập, cuối cùng, con đã cầm được tấm bằng C Anh văn. Con sung sướng không cầm được nước mắt.
Mẹ biết không? Tấm bằng ấy, đối với mọi người, nó chẳng là gì cả. Nó không quan trọng bằng bằng đại học, bằng giáo sư, tiến sĩ... Nhưng đối với con, nó là tất cả, nó mang một ý nghĩa đặc biệt... Là cả quá trình con học tập và đấu tranh giành giật giữa phần “con” với phần “người” để chống lại những cám dỗ của cuộc đời.
Trước kỳ thi, người ta bảo con hãy đưa cho họ vài trăm ngàn để biết đề thi hay nói một cách khác: mua đề. Vài trăm ngàn không phải là số tiền lớn. Vả lại con nghe nói đề thi rất khó, con sợ với trình độ của mình thì cố gắng mấy cũng không đậu. Con không đủ tự tin. Và con... con đã có ý định đó. Con thật là xấu, phải không mẹ?
Con nghĩ ra đủ lý do để biện hộ cho ý định tồi tệ của mình. Con nghĩ thật là bất công nếu mình phải vất vả học bài trong khi người ta chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn- cái giá quá rẻ để có được tấm bằng. Nếu có được bằng C con sẽ yên tâm học những cái khác hoặc học cao hơn nữa v.v... và v.v... Cứ như thế, suy nghĩ của con chìm dần trong những cám dỗ và con đã chuẩn bị tiền đi nộp.
Đột nhiên, con nghĩ đến mẹ, con nghĩ đến nụ cười hiền từ của mẹ. Rồi con ghê tởm chính bản thân mình. Phải, mẹ cho con ăn học, nhưng mẹ đâu dạy con làm những điều tồi tệ như thế? Bây giờ, chỉ là số tiền nhỏ, nhưng thói quen ấy, tính ỷ lại vào đồng tiền ấy mai sau sẽ ngấm dần vào con, 1 lần... 2 lần... Cứ thế, con trượt sâu vào lối mòn mà không hay biết. Cầm cái bằng trên tay, đó đâu phải là công sức của con? Bằng cấp, tri thức được đánh đổi bằng đồng tiền, con cũng sẽ bị xã hội đào thải.
Rồi con sẽ ra sao đây khi tất cả mọi người đều nhìn con bằng ánh mắt khinh bỉ: “Nó có giỏi giang gì đâu, chỉ giỏi đi mua đề!” Lúc ấy, chắc con chẳng còn mặt mũi nào để quay về nhìn mẹ nữa. Nghĩ đến đấy, con chợt rùng mình vì hổ thẹn. Thà thi rớt nhưng lòng thanh thản còn hơn là đậu mà bạn bè xa lánh mình. Và con tìm mọi cách để quên đi cái ý nghĩ đen tối.
Cho đến hôm nay, bằng chính sức lực bản thân, con đã làm được điều mà con mong muốn, mẹ ạ! Tấm bằng con cầm trên tay là minh chứng cho sự trưởng thành của con gái mẹ. Là cuộc đấu tranh giữa cái xấu và cái tốt trong con. Phải, mẹ ơi, con gái mẹ đã vượt qua chính mình, vượt qua được khoảnh khắc mà con thấy lòng mình yếu đuối nhất. Điều quan trọng hơn cả là con đã vượt qua được những cám dỗ đầu tiên trong đời rồi đấy...
.
.
Hạnh phúc như cây cà rem (20/10/2005)

Cà rem sẽ tan, hạnh phúc sẽ không còn nguyên vẹn. Dù muốn hay không, bạn cũng phải chọn một trong hai cách: hoặc tận hưởng sự hiện hữu của nó, hoặc để nó tự nhiên tan biến đi. Lẽ dĩ nhiên, không ai muốn mất đi cảm giác cảm nhận niềm hạnh phúc của mình, nhưng thử hỏi mấy ai đủ can đảm để đi đến tận cùng sự khám phá ấy?
Trẻ con thường thích ăn cà rem, vì một điều đơn giản là cà rem rất ngọt ngào và hương vị thật hấp dẫn. Trẻ con không có khái niệm hạnh phúc một cách rõ ràng, và tự nhiên, chúng nhận được cảm giác ấy. Người lớn không thích ăn cà rem như trẻ con. Người lớn chỉ thích cảm nhận niềm hạnh phúc - cái niềm hạnh phúc ấy phải được gọi tên. Và vì thế đôi khi vô tình đến cố tình, họ đã đánh mất cảm nhận ngọt ngào.
Vậy thì hãy tận hưởng cây cà rem hạnh phúc của mỗi chúng ta, đừng nên vội vã, bạn nhé!
Những cái nắm tay
Không biết khi tôi sinh ra, ai là người đầu tiên nắm tay tôi nhỉ? Bố, mẹ, bà hay ông bác sĩ, cô y tá trong bệnh viện? Tôi hay tưởng tượng ra cảnh bố lấy ngón tay trỏ nhẹ nhàng luồn vào lòng bàn tay tôi, khẽ cạy những ngón tay nhỏ xíu đang co chặt lại rồi trầm trồ: "Ồ, ngón tay con gái dài quá, sau này sẽ tài hoa lắm đây". Còn ông anh 2 tuổi của tôi thì lăng xăng quanh giường, ăn hết phần ăn bà nấu bồi dưỡng cho mẹ, tò mò ngó nhìn đứa em đang nằm gọn lỏn trong vòng tay bố và phán một câu: "Tay nó bé tí, con bẻ một phát gãy ngay!".
Khi đến tuổi tập đi, chắc đã rất nhiều người nắm lấy tay tôi và dẫn tôi đi từng bước một quanh nhà. Bố mẹ này, anh chị, cô chú bác và chắc cả hàng xóm láng giềng nữa.
Khi đến tuổi đi học, bàn tay bố dẫn tôi vào lớp và bàn tay cô ân cần dạy tôi những nét chữ đầu tiên. Đến tuổi chạy nhảy theo anh đi chơi, rất nhiều lần hăng máu đánh nhau với lũ con trai, té lăn quay ra đất. Bàn tay anh nắm chặt tay tôi và kéo tôi đứng dậy, "để thằng đó cho anh!".
Ngày học cuối của lớp 12, đang ngồi khóc hu hu vì phải chia tay tuổi học trò thì người bạn trai thân nhất luồn tay vào ngăn bàn, khẽ bóp nhẹ tay tôi.
Ngày yêu, tôi ghét cái trò ôm eo nhau đi ngoài đường, chỉ thích để bàn tay mình nằm gọn trong tay anh mỗi khi hai đứa lang thang ngoài phố.
Đến lượt tôi, tôi cũng đã nắm tay rất nhiều người và cũng mơ hồ nhận ra một "chân lý": Hãy chỉ nắm tay khi người ta đưa tay ra cho mình. Đôi khi tôi cũng không thể phân biệt được đâu là sự giả dối trong lời nói, ánh nhìn của người khác nhưng chắc một điều rằng tôi luôn cảm nhận được thật- giả khi ai đó nắm tay mình. Và cũng may mắn, đến giờ tôi luôn cảm nhận được hơi ấm từ những cái nắm tay...
.
.
Hơi ấm của bàn phím (MT 698 - 3/10/2005)

Thời gian gần đây, tự dưng tôi chán... cái Yahoo messenger. Trên những tờ báo cứ nói nhiều đến những điều bất ổn đến từ internet như game online, những mối quan hệ ảo, những vụ án nảy sinh từ chat làm ba mẹ cứ đi qua đi lại, liên tục nhắc nhở mỗi lần tôi bật máy tính.
Không còn những dòng status sến như con hến, không còn những trận Pool nảy lửa với đứa bạn cùng lớp, mỗi lần lên mạng, tôi đều chỉ vào đọc tin nhắn để lại hết sức thờ ơ. Thứ tư tuần trước, có một tin nhắn làm tôi chú ý, người bạn quen sơ sơ từ một diễn đàn đã nhắn (chắc là cho rất nhiều người) : Cần gấp người có nhóm máu AB để cứu sống một em bé đang mổ tim. Số điện thoại liên hệ có thật, vậy chuyện này có thật rồi !
Tôi đã gửi tin nhắn và số điện thoại ấy cho tất cả những cái nick mà tôi có trong danh sách bạn bè. Và những người bạn tôi cũng gửi đi như thế, và chờ đợi cho dù biết nhóm máu AB cực kì hiếm. Một buổi sáng, tôi nhận được điện thoại của Ngọc Minh, một bạn du học sinh Việt Nam đang học ở Singapore : Em đã tìm ra một bạn người Ấn có máu AB rồi, bạn ấy định về Việt Nam cho máu, em điện cho chị để hỏi thủ tục. Tôi tức tốc gọi điện đến số điện thoại được cung cấp, người cầm máy là chị Châu, nhân viên của tổ chức phi chính phủ East Meets West, tổ chức này đã trợ cấp mổ tim cho em bé. Chị Châu báo cho tôi một tin thật vui, em bé đã được mổ tim từ ngày thứ bảy 24/9 và đã được tiếp máu đầy đủ. Và, bạn có tin nổi không, tất cả 4 người tình nguyện cho máu đều đến từ internet.
Sáng ngày 26/9/2005, bé Võ Thị Bền, 9 tuổi, quê ở Quảng Nam, em bé với ca mổ tim được rất nhiều người biết đến đã được chuyển từ phòng hồi sức ra phòng thường ở bệnh viện Triều An. Tin vui cũng được lan truyền đi trên internet, và tất cả chúng tôi, những người định giúp cho máu như cô bạn người Ấn Độ hay những người không thể giúp gì ngoài việc ấn nút send đi đều thấy vui mừng.
Chưa một lần đụng đến máy tính, chưa biết internet, Yahoo messenger là gì nhưng bé Bền đã được giúp đỡ và cứu sống nhờ interner. Có lẽ, bây giờ, bé đang nghĩ internet thật kì diệu. Nhưng thật sự, chính những người sử dụng internet như bạn, như tôi, như tất cả chúng ta đã làm nên điều kì diệu ấy bằng tình yêu thương đồng loại ấm áp và chân thành, phải không ?
NGỌC THÚY
.
.
Thành kiến (15/9/2005)

Nhiều khi không biết vì sao bạn lại ghét cay ghét đắng con nhỏ ấy hoặc câi thằng ấy trong lớp của mình? Ngẫm nghĩ lại...thì ra cũng chỉ vì những thành kiến viễn vông.
Một người đàn ông đi xe điện ngầm thường khó chịu vì các hành khách Trung Quốc nói chuyện quá lớn tiếng. Thoạt đầu ông nghĩ chắc họ lãng tai nên phải nói thật to. Nhưng khi sự việc cứ lập đi lập lại, ông cho rằng người Trung Quốc bất lịch sự.
Mãi về sau ông mới khám phá ra rằng những người ấy đang nói tiếng Quảng Đông — và tiếng Quảng Đông là một ngôn ngữ khó. Cùng một từ có thể có nhiều nghĩa khác nhau, tuỳ theo cung bậc mà người ta phát âm nó. Và tiếng Quảng Đông có số cung bậc nhiều gấp đôi so với tiếng Phổ Thông — ngôn ngữ chính thức của người Trung Quốc.
Đa số người nói tiếng Quảng Đông có thói quen nói to tiếng, bởi vì họ muốn thể hiện rõ những khác biệt nhỏ trong các cung bậc - để người nghe hiểu đúng í mình! Thế là người đàn ông đó không còn nghĩ rằng các hành khách Trung Quốc bất lịch sự nữa.
Thường chúng ta mang thành kiến về người khác khi chúng ta không tìm hiểu họ kĩ càng. Hiểu biết người người khác nhiều hơn, ta sẽ bớt nhiều thành kiến hơn. Bạn hãy sốt sắng tìn hiểu con người và cuộc sống nhiều hơn — và bạn sẽ biết thông cảm hơn.
.
.
Chiếc cầu tên Thương (MT 695 - 12/9/2005)

Năm học cấp 2, lớp tôi có một bạn tên Thương bị liệt hai chân, phải đi lại bằng nạng gỗ. Có lẽ do mặc cảm nên bạn ít nói chuyện với bạn bè và chưa bao giờ tham gia vào những chuyến đi chơi của lớp. Trước thái độ lạnh lùng, mặc cảm của Thương, khoảng cách giữa bạn và cả lớp ngày một lớn dần.
Một lần học thể dục, chúng tôi được thầy cho sang tập ở sân mới xây, đến khi điểm danh mới thấy thiếu một người, đó là Thương. Tuy được miễn môn thể dục nhưng Thương vẫn phải học lí thuyết và chưa bao giờ Thương vắng mặt ,trong khi những đứa khỏe mạnh như chúng tôi thỉnh thoảng vẫn viện cớ ốm để được nghỉ. Cả lớp thắc mắc không biết Thương ở đâu thì lớp trưởng chợt nhớ ra sân thể dục này vừa mới xây xong, hãy còn bừa bộn và trên đường đi có một cái rãnh chắn ngang. Chúng tôi có thể nhảy sang cái rãnh ấy một cách dễ dàng nhưng Thương làm sao qua được với đôi nạng gỗ. Khi chúng tôi quay lại thì thấy Thương khóc tấm tức bên cái rãnh. Bỗng nhiên chúng tôi thấy mình thật vô tâm khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt Thương. Sau khi giúp Thương qua được cái rãnh, những giọt nước mắt ấy vẫn không thôi ám ảnh chúng tôi. Nhớ lại những lần đi chơi vắng Thương, những lần rượt đuổi nhau ầm ĩ cả sân trường trong khi Thương lúc nào cũng lầm lũi trong lớp, chúng tôi càng xấu hổ khi lâu nay cho rằng lớp mình đoàn kết và gắn bó nhất trường.
“Chúng ta phải làm một cái gì đó mới được". Lớp trưởng khởi xướng và mọi người nhiệt liệt hưởng ứng. Sau giờ học tất cả đều ở lại, hì hục bên mấy tấm ván, búa và đinh để làm cho xong “công trình" chúng tôi dành tặng riêng Thương trước giờ thể dục tuần tới.
Rồi “công trình" chúng tôi cũng hoàn thành. Giờ thể dục, nghĩ đến việc sắp phải làm phiền bạn bè dìu mình qua rãnh, trông Thương có vẻ ngại ngần.
- Làm phiền mấy bạn quá - Thương tỏ ra áy náy.
- Không phiền gì đâu, kể từ hôm nay Thương có thể tự đi ra sân học thể dục một mình đấy.
Và không chỉ Thương mà tất cả đều xúc động khi đứng bên chiếc cầu làm từ những tấm ván và ba ngày lao động gấp rút của cả lớp. Chúng tôi còn có sáng kiến làm thêm hai tay vịn để Thương có thể đi lại dễ dàng hơn, và tất cả thống nhất đặt cho nó cái tên: Thương. Chưa có buổi học nào mà cả lớp lại cảm thấy ấm áp và vui vẻ như hôm ấy.
Sau đó vài tháng, cái rãnh đã được lấp đi và chiếc cầu cũng không còn. Nhưng chiếc cầu đưa chúng tôi đến gần với Thương vẫn tồn tại mãi mãi, phải không Thương?
.
.
...Và tôi đã lớn (MT 695 - 12/9/2005)

Sáng nay đi làm, thấy trắng đường màu áo học sinh, chao ơi, sao mà nhớ...
Năm tôi học lớp 9, thầy Điện (THCS Phù Đổng II), dạy Toán, cho tôi mượn cả bộ sách giáo khoa. Tôi ngại, không qua nhà thầy lấy sách, thầy bảo con thầy mang đến tận nhà tôi. Trong từng quyển sách giáo khoa ấy, không chỉ kiến thức mà còn có cả tấm lòng thầy dành cho đứa học trò yêu Văn hơn Toán.
Cứ thế, từ lớp 9 đến lớp 12, tôi đều nhận được những quyển sách ăm ắp ân tình. Lên cấp III trường Gia Định , hết học kì I, điểm Anh văn của tôi thấp nhất lớp. Thầy Phúc chủ nhiệm và cũng là giáo viên dạy Anh văn khuyên tôi nên đi học thêm, tiền học phí sẽ được miễn giảm. Thế rồi tôi tình cờ phát hiện ra không phải trung tâm tiếng Anh miễn giảm tiền cho tôi mà chính thầy đã đóng thay tôi số tiền học phí. Ngày ấy, tôi - cô bé 16 tuổi - không muốn nhận tiền của bất kì ai nên đáp lại tấm lòng thầy bằng cách... nghỉ học thêm. Nhưng tấm lòng thầy đã khiến tôi nỗ lực thật nhiều. Và điểm tiếng Anh cứ nhích dần lên...
18 tuổi, vào ĐH KHXH &NV, tôi thương cô Xuân và thầy Phương nhất. Tôi không chỉ nhận được kiến thức mà còn nhận cả tình yêu thương. Giờ này, chắc thầy cô tôi đang đứng trên bục giảng. Chính kiến thức và ân tình của thầy cô đã nuôi lớn những đứa học trò như tôi...

.
.
Những mệnh đề cuộc đời (MT 691 - 12/8/2005)

Giờ học Anh văn hôm ấy, cô giáo dành hẳn cho lớp một tiết để thực hành về câu điều kiện với chủ đề là : Giá như.... Cách thực hành rất thú vị, mỗi thành viên của lớp sẽ đứng lên, vận dụng mệnh đề giá như để bày tỏ những vấn đề làm mình cảm thấy hối tiếc trong quá khứ.
Cả lớp hưởng ứng nhiệt liệt. Người thì bàn tán xôn xao, người thì đăm chiêu suy nghĩ. Ừ nhỉ, nếu mình có được một cơ hội để làm lại thì mình sẽ làm gì nhỉ ? Mà chắc mình phải sử dụng nhiều cái giá như lắm ! Hải còm ước giá như thời gian quay trở lại, cậu ấy sẽ nghe lời mẹ ăn nhiều thịt để trông vạm vỡ hơn. Khỏi phải nói, điều ước của Hải làm cả lớp cười rần rần. Còn anh chàng Nam thì lại mong đừng phải mắc sai lầm ngớ ngẩn kiểu 1x1="2" trong bài kiểu tra môn Lí vừa rồi. Riêng Linh và Thảo, người này bảo giá như đừng để chuyện đáng tiếc xảy ra làm tổn thương tình bạn của hai người, người kia ước giá như lúc ấy cả hai đừng bướng bỉnh. Giá như trước lúc bà mất, mình nói với bà rằng mình thương bà lắm !. Lời nhỏ Lan làm không ít người sụt sùi. Cứ thế, từng người từng người kể ra những tâm sự của mình. Tiết học thành công vượt cả sự mong đợi, đến nỗi cô cũng không ngớt lời biểu dương và hứa sẽ tặng cả lớp một phần quà đặc biệt. Vậy mà lúc đó tôi cảm thấy buồn và ước sao giá như có ít bạn đứng lên phát biểu. Có phải chúng ta đang sống quá hối hả, hối hả đến mức vô tình không nhận ra sau lưng chúng ta có nhiều điều đáng tiếc. Giá như, hai tiếng nghe chừng thật đơn giản, nhưng để dùng nó, ta phải đánh đổi biết bao cơ hội và thời gian để sữa chữa những sai lầm. Và mình mong rằng, bạn đừng bao giờ để những mệnh đề cuộc đời giá như, tôi ước... luôn quanh quẩn bên bạn.
.
.
Câu chuyện màu xanh (MT 690 - 8/8/2005)

"Đó là bài học tin học đầu tiên mà tôi hiểu thấu đáo. Không biết có phải được thầy truyền thêm sức mạnh hay không mà từ đó đối với tôi, tin học không còn đáng sợ nữa"...
Duy học giỏi nhưng cuối năm chỉ được xếp loại khá, tất cả cũng vì môn tin học. Gia đình Duy mới chuyển lên thành phố chưa được bao lâu, Duy không có điều kiện tiếp xúc với máy tính nhiều nên mỗi giờ vi tính đối với cậu quả là kinh khủng. Cậu cứng đơ trước mỗi câu hỏi của thầy, và cảm giác sợ bị bạn bè chê cười đè nặng ngột ngạt. Thầy dạy môn tin học đã ngoài bốn mươi, dáng người thấy nhỏ bé với bước đi khập khiễng. Sẵn ghét môn tin học nên Duy cũng cảm thấy không thích thầy, khi thầy bảo Duy đến gặp thầy sau giờ học, cậu đã sẵn sàng nghe những câu phê bình, những lời chỉ trích.
- Hình như trước giờ con chưa học vi tính phải không ? - Thầy ân cần hỏi.
- Dạ, hồi đó con ở quê - Duy trả lời nhát gừng.
- Thầy cho con mượn sách tin học căn bản này về đọc, chỗ nào không hiểu cứ hỏi thầy. Giờ nào rảnh, con cứ lên phòng thực hành, vừa đọc sách vừa thực hành trên máy sẽ dễ hiểu hơn.
Duy cầm sách về đọc nhưng tin học vẫn rất mù mờ đối với Duy. Nhiều lúc Duy muốn hỏi thầy nhưng sao có cái gì đó ngăn Duy lại. Giữa thầy và trò vẫn còn một khoảng cách. Một hôm, thầy lại bảo Duy đến gặp sau khi có điểm bài kiểm tra một tiết. Duy chỉ được điểm bốn.
- Con đọc sách không hiểu, sao không hỏi thầy ? - đây là lần thứ hai thầy làm Duy bất ngờ vì những câu hỏi ân cần thay vì những lời trách mắng.
- Thưa thầy, con không thể nào học giỏi môn tin học được. Con rất ghét máy tính.
Mấy quyển sách thầy cho mượn rơi khỏi tay Duy và rớt xuống đất. Thầy cúi xuống nhặt. Tự dưng Duy cảm thấy hối hận vì những lời nói vừa rồi của mình, Duy cũng cúi xuống và khi chạm vào chân thầy, Duy sững sờ nhận ra đó là một cái chân bằng nhựa.
- Thầy cũng từng như con bây giờ. Sau khi bị tai nạn, ba tháng liền thầy ở trong nhà, không muốn làm gì cả. Nhưng đến tháng thứ tư thì ba thầy chở thầy đến một lớp vi tính để ghi danh. Ba thầy còn chở thầy đi làm chân giả để thầy có thể tự mình đi học. Lúc ấy thầy nghĩ thế là hết, gia đình đã bỏ rơi mình, mình như một kẻ vô dụng. Thế là thầy lao vào học và cuối cùng cũng kiếm được việc làm. Bây giờ thầy mới thấy biết ơn ba thầy biết mấy ! Không có con đường nào là đường cùng, chỉ có người đi không nhìn thấy lối ra mà thôi.
"Đó là bài học tin học đầu tiên mà tôi hiểu thấu đáo. Không biết có phải được thầy truyền thêm sức mạnh hay không mà từ đó đối với tôi, tin học không còn đáng sợ nữa"... Chàng sinh viên vẫn còn xúc động khi kể về người thầy của mình trong một lớp phổ cập tin học Mùa hè xanh. Người đàn ông khi nãy vừa cằn nhằn "môn học gì mà khó quá" và định bỏ về, bây giờ tiến đến siết tay Duy và nói :
- Cảm ơn câu chuyện của thầy ! Tôi sẽ gắng học môn này. Có kiên nhẫn thì sẽ thành công phải không thầy ?
Duy mỉm cười và thấy mùa hè trở nên xanh biết mấy.
.
.
Nhật ký (MT 689 - 1/8/2005)

Tôi bắt đầu viết nhật kí từ năm lớp 8. Đến bây giờ, bộ sưu tập nhật kí của tôi đã dày lên rất nhiều. Chuyện vui, chuyện buồn và cả những nỗi bực tức tôi đều đem trút cả vào những trang giấy ấy. Có lần, xin tiền mẹ mua một cái áo mới, mẹ không cho, tôi đã ghi liền vào nhật kí của mình : "Đời chán thật, sao trên đời này mình muốn cái gì cũng không được vậy ? ..."
Bây giờ thì nhật kí của tôi ghi toàn chuyện tình yêu. Có một trang giấy tôi đặt toàn dấu chấm hỏi, ở cuối trang là dòng chữ : Anh ấy có yêu mình không ? Có lần tôi đã "ưu tiên" dành cho anh hai ba trang giấy mà trút giận vì anh đã quên sinh nhật của tôi. Sợ mọi người đọc thấy, nhiều trang tôi ghi bằng tiếng Anh.
Tôi vẫn luôn tự hào về bộ sưu tập nhật kí của mình. Bạn bè tôi cũng vậy, khi tôi khoe nhật kí, đều khen : "Nhỏ có tâm hồn thật đấy, thời buổi này mà còn ghi nhật kí mỗi ngày." Và tôi cũng hãnh diện về điều đó.
Tuần trước, tôi tình cờ có được quyển Mãi mãi tuổi 20, trong đó có ghi lại toàn bộ nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc. Trong một đêm, tôi ngồi lì trong phòng để đọc hết cuốn sách đó. Có lúc, tim tôi như thắt lại khi đọc đến những đoạn anh viết về nỗi nhớ Hà Nội, gia đình, bồi hồi khi đọc đến buổi chia tay của anh ấy và người yêu. Tôi cũng như tưởng tượng ra ánh mắt rực lửa của anh khi viết về lí tưởng của thế hệ anh quyết tâm đánh giặc; tim tôi cũng trĩu nặng khi đọc đến đoạn anh Òtự vấnÓ mình đã không sống hết mình cho lí tưởng, không sống giống như Paven...
Gấp cuốn sách lại rồi mà tôi vẫn còn thừ người ra đấy, câu hỏi ghi trong nhật kí của anh vẫn như còn hiển hiện : "Ừ, nếu như tôi không trở lại - Ai sẽ thay tôi viết tiếp những dòng sau này ? Tôi chỉ ao ước rằng ngày mai, những trang giấy còn lại đằng sau sẽ toàn là những dòng vui vẻ và đông đúc đừng để bí ẩn và trống trải như những trang giấy này". Chợt nhìn lên bàn và thấy quyển nhật kí của mình, tôi cầm lên, nhật kí của tôi chỉ ghi lại toàn những câu trách móc, những hờn giận vu vơ và những dòng chữ chán nản, đầy bi quan...
Cảm ơn những dòng chữ "trống trải và bí ẩn" của anh Thạc, vì chúng đã dạy cho tôi một cách viết nhật kí mới, cách viết nhật kí của tuổi trẻ. Tôi cầm bút lên và bắt đầu viết những dòng "vui vẻ và đông đúc" đầu tiên vào quyển sổ nhật kí mới tinh của mình.
NGỌC THÚY
.
.
Cha con Đậu Hũ (MT 684 - 7/7/2005)

Giống như một người bạn biết im lặng, chú chó nhỏ mang đến cho cậu nhóc niềm vui được chăm sóc, được yêu thương người khác. Khi thấy mình cần thiết, hữu ích cho cuộc sống này, bạn sẽ nhận rằng những nỗi buồn nho nhỏ sẽ chẳng đáng để tồn tại dài lâu
Cậu nhóc có bạn gái, điều ấy ở nhà ai cũng nhận ra. Bắt đầu từ việc hóa đơn điện thoại nhúc nhích tăng theo những cuộc “nấu cháo”, sau đó là màn hình máy tính của cậu có hình một cô nhỏ nghịch ngợm, cũng khá dễ thương. Rồi ba mẹ thấy cậu thường xuyên chat Y!M mà để invisible (tập trung chat với một người thôi chứ gì, “tình trạng tâm lí thú vị” đó ba cũng có rồi chứ bộ.)
Rồi cậu nhóc thất tình, chắc vậy. Y!M thường xuyên có những câu status là lời bài hát hơi buồn buồn, nhân vật xuất hiện trên màn hình máy tính là một chú Hiệp sĩ trong game Line Age II, và cậu nhóc im lặng nhiều...
Giữa lúc đó, Đậu Hũ xuất hiện. Chú chó nhỏ xíu, nặng 700 gram xuất hiện làm cuộc sống cả gia đình nhộn nhạo hẳn lên. Đầu tiên là những trò làm thân rất thú vị, cặp mắt đen ướt nhìn những người lớn trong nhà âu yếm, cái đuôi ngắn tí vẫy rối rít... Sau đó, Đậu Hũ bắt đầu len lén cào cửa đòi vào phòng cậu nhóc mỗi lúc 6 giờ sáng, khua cậu dậy, và vô số những hành động khác thu hút sự chú ý của một cậu học trò trước giờ chỉ quen ngồi dí mắt vào máy tính.
Đang nghỉ hè, nên những công việc từ trộn đồ ăn, đi mua khúc xương đồ chơi, tới việc tắm, bế đi khám bệnh tới thu dọn “chất thải” của Đậu Hũ đều được ba mẹ khóan cho cậu nhóc. Hàng xóm bắt đầu quen với cảnh một cậu nhóc 6 giờ sáng dậy chạy vòng vòng tập quanh xóm, nô giỡn với con chó nhỏ. Hình nền máy tính là một tấm ảnh Đậu Hũ lông vàng nâu nâu, mắt đen lóng lánh. Những trang web cậu nhóc hay vào bây giờ cũng tòan về chăm sóc chó cảnh. Cả xóm bắt đầu kêu: “Hai ba con đi đâu đó?” rồi “Ba con Đậu Hũ về rồi đó hả?” ...
Một lần, sau khi thu dọn “chất thải” của Đậu Hũ, ba nghe cậu nhóc nằm xoài ra giường, vắt tay ngang trán, nói chuyện điện thoại với bạn theo kiểu rất người lớn: “Mệt quá à, có mỗi Đậu Hũ thôi mà mệt vậy, sau này có gia đình rồi sao?” Nhưng đến lúc nghe tiếng Đậu Hũ kêu nho nhỏ đòi ăn, “ba Đậu Hũ” lại bật dậy ngay...
Không phải ngẫu nhiên mà ba mẹ mang chú chó nhỏ về nhà. Giống như một người bạn biết im lặng, chú chó nhỏ mang đến cho cậu nhóc niềm vui được chăm sóc, được yêu thương người khác. Khi thấy mình cần thiết, hữu ích cho cuộc sống này, bạn sẽ nhận rằng những nỗi buồn nho nhỏ sẽ chẳng đáng để tồn tại dài lâu. Và, còn có trách nhiệm hơn với những việc mình đang làm, phải không, “ba Đậu Hũ”?

No comments: